Nhật Bản mở đường, muốn đăng cai World Cup cùng Đông Nam Á

Ngọc Thanh Ngọc Thanh
Thứ sáu, 18/07/2025 17:30 PM (GMT+7)

Nhật Bản đang dẫn đầu sáng kiến phối hợp cùng các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á hình thành liên minh đồng đăng cai World Cup 2046, trong xu hướng toàn cầu hóa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Trong nỗ lực đưa World Cup trở lại châu Á sau hai thập kỷ, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) đã đề xuất kế hoạch liên kết với các quốc gia thuộc hai khu vực Đông Á (EAFF) và Đông Nam Á (AFF) để cùng đệ trình hồ sơ đăng cai World Cup 2046. Sáng kiến này được thống nhất bước đầu trong hội nghị chung giữa EAFF và AFF diễn ra tại Tokyo vào tháng 3/2025.

Chủ tịch JFA Miyamoto Tsuneyasu xác nhận hai bên chưa ký kết văn bản chính thức, nhưng đều bày tỏ thiện chí hợp tác: “Chúng tôi chưa trao đổi tài liệu cụ thể, nhưng có những cuộc trò chuyện về việc hợp tác sẽ tuyệt vời như thế nào”.

Nhật Bản mở đường, muốn đăng cai World Cup cùng Đông Nam Á 667813
Nhật Bản hy vọng vào việc Đông Á và Đông Nam Á sẽ cùng hợp lực đăng cai World Cup

Sáng kiến của Nhật Bản không đi ngược xu thế hiện tại của bóng đá thế giới, khi mô hình đồng đăng cai ngày càng phổ biến. Kỳ World Cup 2026 sẽ được tổ chức tại ba quốc gia Bắc Mỹ: Mỹ, Canada và Mexico, còn kỳ World Cup 2030 dự kiến trải dài qua sáu quốc gia thuộc ba châu lục. Vì vậy, ý tưởng về một kỳ World Cup do Đông Á và Đông Nam Á cùng tổ chức không chỉ khả thi mà còn phù hợp với định hướng toàn cầu hóa của FIFA.

Liên minh tiềm năng này có thể bao gồm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Australia. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc từng có kinh nghiệm tổ chức World Cup 2002, còn các quốc gia Đông Nam Á ngày càng khẳng định vị thế với hạ tầng thể thao hiện đại và tiềm năng kinh tế đang lên.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa giấc mơ World Cup 2046, liên minh này cần đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của FIFA: ít nhất 14 sân vận động có sức chứa từ 40.000 chỗ ngồi, hai sân bán kết có sức chứa 60.000 chỗ và một sân chung kết có tối thiểu 80.000 chỗ. Hiện tại, Nhật Bản chưa sở hữu sân vận động nào đạt tiêu chuẩn tổ chức trận chung kết, vì vậy cần một khoản đầu tư lớn vào hạ tầng cũng như sự đồng thuận cao từ xã hội để thúc đẩy dự án.

2
Nhật Bản đặt mục tiêu đưa World Cup trở lại đất nước mặt trời mọc trước năm 2050

Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia Đông Nam Á từng nuôi mộng đăng cai World Cup nhưng chưa thành hiện thực, đặc biệt là Indonesia hay Australia - hai trong số các đối thủ từng tranh quyền tổ chức World Cup 2034 với Saudi Arabia nhưng không thành công.

Từ năm 2005, JFA đã đặt ra tầm nhìn dài hạn: đưa World Cup trở lại Nhật Bản trước năm 2050 và đưa đội tuyển quốc gia trở thành nhà vô địch thế giới. Việc bắt tay với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á có thể xem là bước đi chiến lược để hiện thực hóa tham vọng ấy.

Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức World Cup sau 44 năm, kể từ giải đấu cùng Hàn Quốc năm 2002, một cột mốc mang tính biểu tượng trong lịch sử bóng đá châu Á.

Theo dõi Thethao247 trên
TRENDING
MỚI NHẤT